Tại sao Trung Quốc xây dựng Internet vệ tinh giống Starlink?
Hệ thống Internet vệ tinh SpaceS, hay SpaceSail, được đánh giá là đối trọng của Starlink, giúp Trung Quốc kết nối Internet cho mục đích quân sự lẫn dân sự.
Đầu tháng 11, tên lửa Trường Chinh 6a được phóng từ Trung tâm Vệ tinh Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc. Trên tàu là lô vệ tinh thứ ba của mạng lưới Qianfan, còn gọi là SpaceSail, nhằm triển khai một "siêu chòm sao" gồm hàng nghìn vệ tinh cung cấp truy cập Internet tốc độ cao cho người dùng ở bất kỳ đâu trên thế giới. SpaceSail thuộc công ty mẹ Shanghai Spacecom Satellite Technology (SSST), đặt trụ sở ở Thượng Hải.
Qianfan có nghĩa "hàng nghìn cánh buồm", hoạt động tương tự Starlink của SpaceX. Công ty của Elon Musk đạt thành công lớn trong 4 năm kể từ khi bắt đầu ký hợp đồng với các hãng hàng không, tàu du lịch và hơn bốn triệu người dùng cá nhân, giúp tăng giá trị SpaceX lên mức ước tính 350 tỷ USD. Starlink hiện có gần 7.000 vệ tinh trên quỹ đạo, được cấp phép bay lên đến 12.000 vệ tinh trong vài năm tới trước khi hoàn thành chòm sao hơn 40.000 vệ tinh.
Trong khi đó, Qianfan, còn có biệt danh "G60 Starlink" theo tên một con đường cao tốc ở miền nam Trung Quốc, được thiết kế với công năng như vậy nhưng quy mô nhỏ hơn. Hai lô đầu tiên, mỗi lô 18 vệ tinh, đã được phóng vào tháng 8 và tháng 10. Theo truyền thông Trung Quốc, dự kiến 648 vệ tinh được SpaceSail triển khai cuối năm 2025.
SpaceSail giúp kết nối Internet cho người dân ở vùng nông thôn Trung Quốc. Đất nước đẩy nhanh công nghiệp hóa với tốc độ cao khoảng ba thập niên, nhưng khoảng 300 triệu người vẫn chưa thể truy cập Internet thường xuyên. Trong khi đó, Starlink không phải lựa chọn cho người dùng Trung Quốc vì dịch vụ của Elon Musk chưa có giấy phép hoạt động tại đây.
Không chỉ phục vụ trong nước, SpaceSail cũng có thể tìm thấy thị trường ở nước ngoài như Iran và Nga - những nơi cấm Starlink. Hồi tháng 11, công ty thông báo đã ký thỏa thuận với chính phủ Brazil để cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh. Nói với Bloomberg khi đó, Jason Jie Zheng, đại diện SpaceSail, cho biết công ty sẽ triển khai Internet vệ tinh ở Brazil hai năm tới, trước mắt mở một công ty con tại đây cuối năm nay.
SpaceSail là một phần của bộ công nghệ tạo nên tham vọng không gian của Trung Quốc. "Có sự thúc đẩy khá mạnh mẽ khi nói đến đầu tư của Trung Quốc vào các công nghệ không gian", Steven Feldstein, nhà phân tích của Carnegie Endowment for International Peace, nói với The Economist. Ông dẫn chứng các dự án như loạt trạm không gian Tiangong, hoặc sứ mệnh Thường Nga 6 (Chang'e 6).
Một công dụng khác của SpaceSail là quân sự. "Ngày càng rõ ràng, 'siêu chòm sao' vệ tinh là một phần cơ sở hạ tầng chiến lược quan trọng cho các quốc gia có quy mô và tham vọng nhất định", Blaine Curcio, CEO công ty nghiên cứu không gian Orbital Gateway Consulting tại Hong Kong, nhận xét.
Trước đó, năm 2020, chính phủ Trung Quốc công bố việc xây dựng siêu chòm sao kiểu Starlink là vấn đề ưu tiên cao. Châu Âu, Ấn Độ, Nga và đảo Đài Loan cũng từng bày tỏ sự quan tâm đến việc tạo chòm sao của riêng mình.
Thực tế, Starlink đã chứng tỏ sự hữu ích quân sự trong xung đột Nga - Ukraine. Các binh sĩ Ukraine đã dựa vào Internet vệ tinh để truy cập mạng, điều khiển máy bay không người lái, liên lạc với sở chỉ huy.
Một câu hỏi đặt ra là Trung Quốc có thể tiến xa được đến đâu. Hiện nước này thiếu các tên lửa tái sử dụng - điều có thể khiến chi phí xây dựng đắt đỏ hơn so với Starlink của SpaceX. Tuy nhiên, Trung Quốc giỏi sản xuất hàng loạt và đây là ưu điểm lớn nhất. Theo Curcio, dựa trên thông tin có được, Trung Quốc đang phát triển một cụm khởi nghiệp phóng tên lửa với sự hợp lực của 40-50 công ty, nhiều trong số đó đang tích cực phát triển tên lửa tái sử dụng.
Tham gia cuộc trò chuyện