Xin việc vào Nvidia khó thế nào
Để được nhận vào làm tại Nvidia, ứng viên trải qua nhiều "cửa ải" chuyên môn như biết ít nhất bốn ngôn ngữ lập trình, kiến thức bán dẫn chuyên sâu.
Ba tuần qua trên LinkedIn, Nvidia liên tục tuyển dụng nhiều vị trí mới tại Việt Nam, gồm quản lý, kỹ sư và kỹ sư cao cấp với yêu cầu về chuyên môn, bằng cấp và kinh nghiệm làm việc. Tương tự tại trụ sở và các chi nhánh trên toàn cầu, đây là bước đầu trong một quy trình thường thấy đối với công ty bán dẫn hiện có giá trị lớn nhất thế giới.
Nvidia do Jensen Huang, Chris Malachowsky và Curtis Priem đồng sáng lập năm 1993. Họ có 42 nhân viên năm 1996, còn hiện khoảng 30.000 nhân viên. Theo Statista, nhân viên Nvidia tại Mỹ chiếm hơn 50%, chủ yếu nghiên cứu và phát triển (R&D), trong khi châu Á tập trung vào vai trò kỹ sư (engineering) và vận hành (operating), nhiều nhất ở Ấn Độ (15%). Phần còn lại ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi với tổng hơn 19%.
Loạt cửa ải cần vượt qua
Sau khi nộp hồ sơ, nếu được Nvidia liên hệ phỏng vấn, ứng viên sẽ bắt đầu các bước mà theo 4DayWeek là "hành trình với những khả năng vô hạn". Thời gian tuyển dụng của Nvidia tương đối ngắn, hầu hết kéo dài 3-8 tuần kể từ khi nộp đơn đến khi có quyết định.
Đầu tiên, Nvidia duyệt qua vị trí cần tuyển dụng, do đó ứng viên cần tạo dấu ấn đầu tiên bằng cách đảm bảo sơ yếu lý lịch của họ hoàn toàn phù hợp với công việc hướng đến. Nội dung CV cần nêu bật thông tin liên lạc, trình độ học vấn, điểm mạnh và kinh nghiệm.
Sau khi nhận thông báo, ứng viên chuyển sang giai đoạn phỏng vấn sàng lọc. Nhà tuyển dụng sẽ hỏi về kỹ năng, lịch sử công việc, các dự án có liên quan và quan trọng nhất là niềm đam mê đối với vai trò sắp đảm nhận. Đây được xem là cơ hội để ứng viên tạo ấn tượng đầu tiên cũng như chứng minh kinh nghiệm, kỹ năng và cách có thể đóng góp cho nhóm.
Giai đoạn thứ hai là kiểm tra kỹ thuật trực tuyến, thường khoảng một giờ, tập trung vào năng lực giải quyết vấn đề từ xa. Ứng viên được giao một hoặc hai vấn đề về mã hóa, liên quan tới thuật toán, cấu trúc dữ liệu. Người phỏng vấn sẽ quan sát quá trình xử lý và các bước tìm ra giải pháp. Do diễn ra trực tuyến, ứng viên phải chia sẻ màn hình máy tính từ xa để ghi nhận các công đoạn.
Những người qua được vòng này sẽ vào vòng phỏng vấn kỹ thuật tại chỗ. Có 5-6 bài kiểm tra nhỏ, mỗi cuộc kéo dài 45 phút. Chuyên gia Nvidia sẽ bắt đầu với 10 phút đặt câu hỏi tổng quan và 30 phút cho câu hỏi kỹ thuật và thử thách lập trình. Đặc biệt, ứng viên cần thành thạo các ngôn ngữ lập trình phổ biến C++, Python và Verilog, cũng như kiến trúc máy tính, cấu trúc dữ liệu, thuật toán, hệ thống nhúng, Linux, MATLAB - những kỹ năng cốt lõi giúp Nvidia duy trì vị trí dẫn đầu của GPU, AI, robot và điện toán hiệu năng cao (HPC) trên thị trường, theo Aura Workforce Analytics.
Ở giai đoạn cuối của cuộc phỏng vấn, nhóm tuyển dụng Nvidia sẽ tập trung vào việc đảm bảo ứng viên phù hợp với các giá trị của công ty và nhu cầu của công việc. Tại đây, bộ phận nhân lực sẽ hỏi về hành vi, cách xử lý công việc và cách ứng viên giải quyết tình huống khác nhau tại nơi làm việc.
"Sau khái niệm đơn giản thường là những câu hỏi kỹ thuật khó khăn. Sách giáo khoa và YouTube chỉ là những lời khuyên lý thuyết, khó áp dụng", tài khoản ursonor99 viết trên Reddit đầu năm nay sau khi tham gia tuyển dụng tại Nvidia. "Đề xuất của tôi là, thay vì cố gắng giải quyết mọi câu hỏi kỹ thuật liên tiếp, hãy coi nó như một kỳ thi cạnh tranh và xử lý theo từng đợt. Giới hạn thời gian sẽ không đủ để bạn giải quyết mọi vấn đề".
Theo thống kê của nền tảng nghề nghiệp Glassdoor cuối năm ngoái, 60% người được phỏng vấn đánh giá trải nghiệm của họ "tích cực", 18% "tiêu cực" và 23% "trung lập" khi ứng tuyển tại Nvidia. Những người nộp đơn chấm mức độ khó là 3,2/5 - cao hơn một chút so với các công ty Big Tech tương tự.
Thử thách tiếp theo
Dù quá trình tuyển dụng khó khăn, các nhân viên chính thức sẽ được hưởng hàng loạt phúc lợi của công ty. Nhưng theo Bloomberg, họ sẽ đối mặt với môi trường "áp lực nồi hơi", văn hóa làm việc điên cuồng mà CEO Jensen Huang tạo ra từ khi mới thành lập.
Theo một cựu nhân viên, tuần làm việc của kỹ sư thường là 7 ngày, có những ngày kết thúc lúc 1-2 giờ sáng. Người này nhận thấy những đồng nghiệp khác còn làm việc muộn hơn nữa. Một nữ nhân viên khác nói cô không có thời gian tiêu tiền, phải tham dự từ 7 đến 10 cuộc họp mỗi ngày, không ít trong đó xảy ra cãi vã và la hét thường xuyên.
Khác nhiều công ty công nghệ khác, nhân viên Nvidia không có không gian văn phòng thư giãn, hay làm việc cầm chừng chờ nhận cổ phiếu thưởng. Tuy nhiên, nguồn tin của Business Insider cho biết Nvidia có văn hóa không sa thải. Khi một cá nhân kém hiệu quả, công ty sẽ chuyển người đó sang nhóm mới, thay vì huấn luyện tăng cường hoặc cho nghỉ việc.
Jensen Huang từng giải thích phong cách lãnh đạo của ông được định hình qua nhiều lần "đối mặt với nghịch cảnh" trong hơn 30 năm điều hành. Ông luôn nói với nhân viên rằng ông đang thúc đẩy họ làm điều quan trọng nhất, sẵn sàng "tra tấn để họ trở nên tuyệt vời hơn".
"Mọi việc nên như vậy. Nếu muốn đạt được điều phi thường, bạn không thể làm những việc dễ dàng được", ông nói trên chương trình 60 Minutes hồi giữa năm.
Tham gia cuộc trò chuyện